RSS

Tag Archives: Nương Nhau

Vạn vật nương nhau mà sống

cau 30851a

Vạn vật nương nhau mà sống
Vạn vật có năng lượng cần nhau

 

 

            Duyên khởi bàn về mối tương quan giữa nhân và quả. Do nhân gì dẫn tới quả gì và quả gì trở thành nhân gì để dẫn tới quả gì. Nhân quả liên tục diễn ra, không đứt quãng, không nghỉ giải lao. Chúng sinh như một tiến trình danh sắc diễn ra theo định luật nghiệp mà không có cái ta hay bản ngã nào. Như nói về vạn vật nương nhau mà sống, để không thấy cái ta nào riêng biệt. Gieo một hạt lúa xuống đất, hạt lúa muốn nảy mầm và phát triển thành cây lúa phải có đất, nước, ánh sáng mặt trời, công người chăm sóc… Không có bản ngã cây lúa. Cây lúa như là một tổng hợp của các điều kiện tạo nên nó. Ta cũng vậy, ta nhờ vào các yếu tố để có thể biểu hiện. như tinh ba huyết mẹ, nghiệp, thức ăn, nước uống, không khí để thở, môi trường để sinh sống, cộng đồng, xã hội, … Các yếu tố đan xen, chằng chịt tạo nên các sự kiện hay hiện tượng do lực đẩy của nghiệp. Căn bản của pháp duyên khởi được diễn giải như sau:

Do vô minh, hành sinh

Do duyên hành, thức tái sinh, kiếp sống mới sinh khởi

Do duyên thức, danh sắc sinh

Do duyên danh sắc, sáu xứ sinh

Do duyên xứ, xúc sinh

Do duyên xúc, thọ sinh

Do duyên thọ, ái sinh

Do duyên ái, thủ sinh

Do duyên thủ, nghiệp hữu sinh

Do duyên hữu, tái sinh sinh

Tái sinh dẫn đến già chết và đau khổ

Toàn bộ khối đau khổ phát sinh như thế.

 

            Nghiệp nhốt mình trong hoàn cảnh và ta phải đối diện với hoàn cảnh đó. Kham nhẫn với hoàn cảnh, nhìn nghiệp trôi đi và ảnh hưởng của nghiệp sẽ giảm dần. Nói là giảm dần chứ thật ra nghiệp vẫn mạnh mẽ. Nghiệp không thiện giảm đi và nghiệp thiện phát huy hay ngược lại.  Kham nhẫn có tính chất dừng lại và quan sát, chứ không phản ứng tức khắc. Quan sát nghiệp chứ không can thiệp vào nghiệp. Tu tập và buông bỏ là cách can thiệp vào nghiệp hay nhất. Tu tập giúp cho nghiệp được chuyển hóa, cho dù đó là nghiệp không thiện hay nghiệp thiện. Ta hay lầm tưởng ảo là thật và thật là ảo. Ví dụ ta chỉ muốn hưởng thụ dục lạc và cho đó là thật. Ta cứ tạo nghiệp xấu và cứ cho đó là không xấu. Một người bạn chia sẻ với tôi, Mình tính đi mua gỗ lậu ở biên giới Cambodia, mua mấy miễng gỗ nhỏ thôi rồi cho đục đẽo thành một bức tượng, chụp hình lại, đưa lên mạng để bán. Điều này có tính chất rửa gỗ. Người sử dụng tiền tham nhũng đi cúng chùa hay làm việc thiện gọi là rửa tiền thì hợp thức hóa gỗ lậu gọi là rửa gỗ. Chỉ là ngôn từ nhưng nó nói lên tính chất tạo nghiệp.

            Nền kinh tế có người đi buôn lậu và tình hình buôn lậu gia tăng là rủi ro lớn cho nền kinh tế đó. Nền kinh tế gặp nhiều rủi ro thì người dân nương tựa vào nền kinh tế để sinh sống sẽ gặp nhiều khổ sở. Việc buôn lậu qua biên giới gia tăng, sản phẩm không đóng thuế, bán giá rẻ, sản xuất trong nước bị chết, công ty phá sản, công nhân mất việc, gia đình nghèo đói, xã hội bất an… và hàng loạt vấn đề xảy ra. Đây là minh chứng cho việc hành động của ta có liên quan đến người khác rất nhiều. Một doanh nhân có ý tưởng kinh doanh, đầu tư tiền bạc, xây dựng nhà máy, tạo công ăn việc làm, trẻ em đến trường, người già được chăm sóc… và hàng loạt kết quả mới diễn ra. Mọi việc đều liên quan với nhau. Chúng ta cần nhau. Vạn vật có năng lượng cần nhau. Ta không thể đứng một mình. Dù đứng một mình ta vẫn ảnh hưởng đến người khác. Một hành động thiện hay không thiện đều ảnh hưởng đến hằng hà sa số điều kiện xung quanh. Ta nương vào vạn vật và vạn vật cũng nương vào ta. Ta muốn nương tựa các điều kiện lành mạnh thì trước hết hãy là điều kiện lành mạnh cho vạn vật. Lành mạnh hóa bản thân là điều tất nhiên làm cho vạn vật được lành mạnh hóa. Nếu để mất định hướng, ta sẽ không nhìn thấy sự thật này. Sự thật là vạn vật đều nương vào nhau mà biểu hiện, ta chính là một yếu tố trong chuỗi các sự nương tựa.

            Thời giờ rất cấp bách nên tu mau kẻo trễ. Có câu, Tu đi kẻo trễ lỡ xuân thì. Người tu càng trẻ thì xã hội càng có lợi. Dân số càng già mà không có người trẻ tiếp nối thì thật nguy hiểm. Ta cứ chọn những chốn đoạn trường mà đi cho đến khi già cỗi, nhiều khi vẫn không kịp nhận ra. Một xã hội tân tiến là xã hội tu tập, cho hôm nay và cho mai sau. Gấp rút tu tập và gấp rút làm việc thiện. Việc tu tập và làm việc thiện chưa bao giờ đủ. Tu tập để phát triển trí tuệ và làm việc thiện để phát triển phước báu. Phước huệ song tu. Làm phước không chưa đủ mà còn lo tu tuệ nữa. Phước báu như một tài khoản ATM, rút hết tiền thì đến lúc nào đó phải nạp vô, xài hết phước thì phải tạo phước mới. Nhưng người tu mà, chỉ mong tạo phước thôi, việc hưởng phước xin nhường cho chúng sinh. Còn mong hưởng phước thì còn phàm phu lắm. Bậc thánh nhân chỉ thiểu dục và chia sẻ phước báu cho thế gian.

Thử nhìn một đất nước Ukraine những tháng đầu của năm 2014. Miền đông thì nổi loạn, miền tây thì bấp bênh. Quốc gia muốn yên ổn thì người dân và chính quyền cùng nhau tạo phước, còn một khi phước đã hết, lực đã cạn, chuyện bất ổn xảy ra là đương nhiên. Không biết người ta tranh giành cái gì, đất đai, tài năng hay tài nguyên nhưng bằng chứng là người dân luôn sống trong nơm nớp lo sợ. Phước báu rất quan trọng. Nó làm cho đất nước đi lên và cũng làm cho đất nước đi xuống. Ban đầu ta thấy đất nước đi lên, nhưng sự đi lên này không chắc chắn vì nền tảng không có, nên lúc nào đó thì nó đi xuống, cho tới khi không thể đi lên được nữa. Sự phát triển kinh tế của nước này ảnh hưởng đến nước kia, do toàn cầu hóa, do việc kinh doanh vượt biên giới quốc gia. Sư suy thoái của nền kinh tế cũng ảnh hưởng tới nước khác, như hiệu ứng domino. Đơn giản vì các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Qui luật vạn vật nương nhau mà sống minh chứng cho các nền kinh tế phải nương nhau. Không nền kinh tế nào có thể tự thân vận động mà không nhờ tới nền kinh tế khác. Nên nếu phát triển thì cùng phát triển và nếu suy thoái thì cũng cùng suy thoái. Nói vạn vật nương nhau mà sống thì cũng nói vạn vật nương nhau mà chết.

 

Nghiệp là tài sản và mình tái sinh bằng tài sản đó. Muốn không tái sinh thì buông bỏ tài sản nghiệp. Bản chất của tâm ta là muốn thay đổi đối tượng và ít khi muốn thay đổi bản thân, thay đổi hướng đi của dòng nghiệp. Hồi trước khi tu, ta ít khi thấy đúng sai. Sau khi tu rồi thì lại bắt đầu nhìn sự đúng sai của người khác. Làm gì cũng nên nhìn mình nhiều hơn, xem ta còn phán xét không, có bình an trước lực đẩy của nghiệp không. Phật giáo là con đường của sự hành trì, không phải dược sử dụng để thỏa mãn kiến thức. Đúng hay sai chỉ là những ý niệm, tùy theo hoàn cảnh mà áp dụng. Tuy nhiên, dám nói lên sự thật để sự thật có cơ hội được phát huy, bằng không những cái ảo cứ chiếm lấy, và xâm lấn sự thật. Một người tu tập không đúng hay có ý niệm không đúng đều do nhiều yếu tố kết hợp lại, như chưa được hướng dẫn đầy đủ, môi trường không thuận lợi, chưa gặp thiện tri thức, hay phước báu chưa tròn đầy để giúp cho tri kiến phát triển. Thấy vậy thì ta không cần ngồi tranh cãi đúng sai. Khi nào đủ thuận duyên hay người kia chịu lắng nghe thì ta chia sẻ.

Các công ty phát triển và hoằng bá thương hiệu. Thương hiệu đó được định giá sau khoảng thời gian dài phát triển. Nếu quán sát kỹ sẽ thấy không có cái ngã thương hiệu. Thương hiệu được tạo nên bởi những yếu tố không phải là thương hiệu, như sự cống hiến của nhân viên, sự cần mẫn sáng tạo của kỹ sư và nhà nghiên cứu, sự chăm sóc khách hàng miệt mài, sự gắn bó của khách hàng, chu trình làm việc chuyên nghiệp… Nếu trả tiền mua thương hiệu thì thực chất không phải trả tiền cho người sở hữu mà trả tiền cho các yếu tố tạo nên thương hiệu. Vạn vật nương nhau mà biểu hiện. Trong biểu hiện đó, có tiếp tay của nghiệp. Bằng chứng là nhiều người làm việc rất bài bản, nhưng vẫn không thành công được. Thành công hay thất bại không phải là đúng hay sai, mà chỉ do phước đủ hay không, nghiệp thiện hay nghiệp không thiện đến hồi tròn đầy hay không. Thương hiệu thành công là do kết hợp các điều kiện thực sự cần nhau, và không thành công do kết hợp các điều kiện chưa thực sự cần nhau.

Khi hoàn cảnh không thuận duyên, ta đổ thừa cho hoàn cảnh. Tâm phàm phu thường hay mong cầu hoàn cảnh thuận lợi. Bậc thánh nhân không như vậy, mà họ biết rằng, trong hoàn cảnh đó tâm đang cứng hay mềm. Hoàn cảnh thuận duyên, tâm mềm để không ngã mạn. Hoàn cảnh nghịch duyên, tâm vẫn mềm để có thể kham nhẫn được. Sống chết, biểu hiện hay không biểu hiện đều nhẹ nhàng. Tâm nhẹ nhàng thì mọi thứ đều nhẹ nhàng. Ta có thể mong cầu cho hoàn cảnh biểu hiện, cho một pháp biểu hiện, cho thuận duyên biểu hiện, dù cho mong cầu rất trong sáng, nhưng đó vẫn là mong cầu, vẫn còn tham trong đó. Buông bỏ mọi mong cầu, ta không còn bị móng tâm, không cần phải chờ đợi, mà hãy cần mẫn thực tập, điều gì tới sẽ tới. Ta làm việc mà cứ bị căng thẳng là do móng tâm và phóng tâm rất nhiều. Niệm việc đang làm thì tình trạng căng thẳng giảm đi. Nếu làm việc nhiều nhưng ý niệm về bản ngã cứ gia tăng thì việc làm đó gây khổ nhiều lắm. Giống như chúng ta yêu thương rất nhiều nhưng không đối tượng nào vượt qua khỏi tự ngã của mình. Ta nói thương người kia nhưng thực ra là thương tự ngã. Ta nói ta say mê công việc nhưng thực ra là say mê tự ngã.

Từ lúc sinh ra, ba mẹ thay phiên nhau chăm sóc cho ta. Ta lớn lên trong tình thương của ba mẹ. Ba mẹ như hai ông Phật trong nhà. Con cái được dạy là thờ ba kính mẹ. Nhưng ta thử xem nếu ba mẹ không thương yêu, không chăm sóc, hay bỏ rơi ta từ thuở nhỏ, thì ta có đủ sức để thương yêu ba mẹ không. Có thể ta đang bị tự ngã lôi kéo. Tình cảm luyến ái khiến ta trách ba trách mẹ và tự trách bản thân. Người tu thương chúng sinh bằng tâm từ, kể ca ba mẹ. Còn luyến ái thì chắc chắn còn tái sinh để gặp lại ba mẹ, ở một hình thức khác. Sau này, ta đi học, ta gặp thầy cô, những người dạy dỗ ta nên người. Công sức của ba mẹ và thầy cô đóng góp vào sự thành tựu của ta. Thực ra không có thành tựu của ta, có chăng đó là do thành tựu của ba mẹ, của thầy cô, của thức ăn, của vạn vật đang biểu hiện trong thành tựu đó. Nhìn đại địa, bao nhiêu thức ăn sinh ra từ đất. Vật dụng cũng vậy, cũng từ đất mà ra. Ánh mặt trời cho ta hơi ấm, cho cây cối mọc, cho nước bốc thành hơi, tạo mây, tạo mưa… Cơ thể cần nhiều nước mỗi ngày. Có thể nhịn ăn 21 ngày nhưng không thể nhịn uống một ngày. Ta chính là nước. Một phút ta thở không biết bao nhiêu lần. Không khí trong lành giúp cho hơi thở khỏe khoắn. Tự ngã không là gì trong hằng hà sa số yếu tố đang nuôi dưỡng ta. Ta chỉ biểu hiện ra thôi. Vạn vật đóng góp vào sự biểu hiện đó. Vậy cái gì làm cho sự biểu hiện đẹp đẽ hay không đẹp đẽ. Đó là nghiệp. Nghiệp giúp cho các kết hợp này thuận lợi hay không thuận lợi. Nếu thấy kết hợp là chuyện đương nhiên thì không cần tác động, chỉ cần chú ý đến nghiệp, tạo nghiệp thiện hoặc không cần phải tạo nghiệp nữa.

Hạt lúa ta vừa gieo
Do công người chăm sóc
Nương đại địa nảy mầm
Nương hạt sương tia nắng.

 

Bài học đầu trinh trắng
Do công MẸ sinh ra
Nương tình CHA đậm đà
Nương lời THẦY dạy dỗ.

 

Đất mẹ cho thức ăn
Hơi ấm cho sự sống
Ngọt ngào làn nước trong
Mặn nồng từng hơi thở.

 

Vạn vật xung quanh ta
Nương vào nhau mà sống
Trái tim lồng ngực nóng
Ôm đất trời mênh mông.

 

 

Nhãn: , , , , , , , ,