RSS

Năm chướng ngại nội tâm 4

09 Th12

A monk slowly lighting up candles during Asalaha Bucha in Chiang Mai, Thailand.

NĂM CHƯỚNG NGẠI NỘI TÂM 4

Giảng vào ngày 27/07/2014

Phiên tả: Hoàng Cương

Biện pháp thứ nhất là đoạn trừ Tham dục: Chọn một đề mục thiền biểu hiện tướng bất tịnh của pháp, áp dụng đề mục ấy vào việc tu tập thiền, phòng hộ các căn, tiết độ trong ẩm thực, được sự hỗ trợ của bạn lành hoặc bậc thiện tri thức trong nỗ lực tu tập, nói những điều thích hợp đưa đến sự thành tựu mục đích đã định.

Thông thường dục tham, có thể tham màu sắc hoặc tham vào một đối tượng, như nhà cửa hay một chiếc xe hơi. Đối với sắc thân thì quán cửu tưởng. Từ khi là một xác chết cho tới khi xác chết đó tan rữa ra, bị dòi bọ, bị chó sói ăn cho đến khi chỉ còn một bộ xương, bộ xương đó cũng tan biến thành bụi và bay đi theo gió. Quán cửu tưởng về sắc thân của người nữ hoặc người nam thì sẽ giảm được sự ham thích về mặt tình dục và giảm được ham thích luyến ái đối với sắc thân của người nữ hoặc người nam.

Bài số 8 của thiền tuệ là thu thúc sáu căn, khi thấy một hình sắc thì niệm thấy à. Khi nghe một âm thanh ngọt ngào thì niệm nghe à. Khi ngửi một mùi hương thì niệm là Ngửi à. Khi có một xúc chạm dễ chịu thì niệm Xúc chạm dễ chịu à, để  không kẹt vào tất cả sáu trần đó. Để đoạn trừ tham dục thì phải phòng hộ các căn.

Xem ti vi ở chương trình thời sự có một buổi triển lãm về xe ô tô, xe hai bánh phân khối lớn. Có một anh kia nói rằng anh sẽ làm việc cật lực để sắm cho được xe ô tô như thế. Nếu như làm việc cật lực để sắm một chiếc xe thì thỏa mản ham thích của anh đó. Nó có cái tham và cái tham bắt mình làm việc cật lực để thỏa mãn mục tiêu ham muốn của mình. Nhìn thấy chiếc xe rất đẹp và chiếc xe phù hợp với những tiêu chuẩn của mình và mình muốn có chiếc xe đó. Không biết mình có thể chạy chiếc xe trong bao lâu, nhiều khi lại xuất hiện một chiếc xe mới nữa, lại tiếp tục làm việc cật lực để sắm chiếc xe mới, sự dừng lại không bao giờ dứt.

Nhìn lại một cô gái đẹp và ham thích sắc đẹp đó và có tham dục vơi sắc đẹp như vậy. Nếu không phòng hộ sáu căn thì sự ham thích với sắc trần sẽ kéo mình đi. Nhưng đến lúc nào đó lại chán, chán cái sắc mà mình đã từng ham thích, sau đó tìm kiếm những sắc mới và vô tình dính vào sắc dục. Phạm giới ngoại tình và con đường mình đi cứ kéo dài mãi không thôi.

Tiếp theo là tiết độ trong ẩm thực. Thức ăn có thể làm cho năng lượng tình dục gia tăng, chính vì thế cẩn trọng trong vấn đề ăn uống, chỉ ăn vừa đủ để làm việc, tu tập và hoằng pháp. Không ăn quá nhiều, không ăn quá no. Buổi tối chỉ nên ăn 70% thôi, nếu ăn no quá rất dễ buồn ngủ, muốn đi ngủ và không ngồi thiền và nằm thiền được, thế là bị mất hết một ngày.

Ăn chay cũng vậy, phải tiết độ trong việc ăn chay. Những món mới làm bằng đồ chay xuất hiện và muốn tìm kiếm những món đó, hoặc đi tới những nhà hàng chế tạo những món chay sang trọng cũng là một tâm tham trong việc ăn chay. Cho nên ăn chay là tốt nhưng vẫn phải điều tiết việc ăn uống của mình. Chính vì thế, khi thực tập quán niệm trước khi ăn, lúc nào cũng phải đọc Con nguyện ăn uống chừng mực, nhận diện và chuyển hóa những thói hư tật xấu, đóng góp vào tiến trình làm giảm sự nóng ấm của địa cầu và hiệu ứng nhà kính.

Khi ăn niệm sự nhai Nhai à, nuốt à, ngon à, ngọt à, mặn à, chua à, cay à… lúc nào cũng phải niệm như vậy. Còn nếu không thì việc ăn có tâm tham trong đó, thì sự thực tập chánh niệm trong khi ăn nó sẽ không có công đức. Tuy nhiên nói về vấn đề diệt trừ chướng ngại về tham dục thì ngoài việc tiết độ trong ẩm thực ra thì việc ăn uống cũng phải cẩn thận để quân bình âm dương. Làm giảm đi những ham muốn do năng lượng tình dục phát khởi, nhất là khi còn ăn mặn thì cần phải chú ý tới việc ăn, giảm lượng thịt xuống tối thiểu, càng nhiều càng tốt và tăng số lượng ăn chay lên.

Được sự hỗ trợ của bạn lành hay bậc thiện tri thức trong nỗ lực tu tập. Trong trường hợp có những tâm tham phát khởi mạnh mẽ quá thì nên liên lạc với thầy và những người bạn đồng tu. Mình đừng ngại gì hết, cứ việc chia sẻ và nhờ người bạn đồng tu giảng một bài pháp cho mình nghe, hoặc trò chuyện với mình để tạm thời sử dụng bài pháp làm lắng dịu năng lượng tình dục, hoặc tâm tham đang phát khởi trong mình.

Nói những điều thích hợp đưa đến sự thành tựu mục đích đã định. Đó là mục đích đoạn trừ tham dục. Không nói những chuyện của thế gian,  gặp gỡ người này người kia nên dành thời gian đó để nói pháp hoặc dành thời gian đó để chia sẻ kinh nghiệm tu tập. Hãy khuyên nhủ lẫn nhau, nói ra những khó khăn của mình, này bạn đồng tu ơi tôi có những khó khăn này, nếu bạn có kinh nghiệm nào hãy chia sẻ để giúp cho tôi thực tập. Tôi vẫn còn si mê vào trong việc ngủ, có nghĩa là cái thụy miên của tôi rất nhiều, nếu một ngày tôi không ngủ được từ 8 – 10 tiếng thì cơ thể rất bứt rứt khó chịu. Nếu như bạn đồng tu có những kinh nghiệm nào giúp tôi có thể dậy sớm, giảm được tham trong việc ngủ nghỉ thì xin hãy giúp cho tôi. Nếu bạn dậy sớm vào buổi sáng, xin hãy gọi điện cho tôi cho đến khi nào tôi bắt máy, hoặc tôi nghe điện thoại mà tôi thức dậy để cùng thực tập với bạn. Nhờ người bạn đồng tu giúp để có thói quen dậy sớm, hoặc có thói quen đi thực tập đúng giờ. Lúc 8 giờ hoặc 9 giờ tối bắt đầu mình thực tập thì nhắn tin cho người bạn đồng tu. Ví dụ mình nói: Độ chuẩn bị đi ngồi thiền, xin mời chị Tường Lam hãy cùng ngồi thiền với em, mình nhắn tin như vậy để nhắc người bạn đồng tu hãy cùng thực tập thiền với mình. Mặc dù không sống chung một chỗ nhưng mà có thể sử dụng những phương tiện của công nghệ để nhắc nhở nhau thực tập.

Tiếp theo là đoạn trừ sân hận: Chọn đề mục thiền từ ái. Ai đó làm điều gì sai với mình thì trước đây mình hay nổi sân. Nếu nghĩ về điều dễ thương của người kia, mình đã học kinh Diệt trừ phiền giận, hãy làm cho điều dễ thương đó nhân rộng lên. Khi điều dễ thương lấn át tất cả những điều làm cho mình sân hận thì từ từ mình không giận người đó nữa. Một bạn trong nhóm đã có những hành vi không đúng với thầy, nhưng nếu nghĩ về những việc làm dễ thương trước đây của bạn ấy thì mình sẽ bỏ qua, và nghĩ tới những hậu quả mà bạn ấy có thể phải trả trong tương lai, nghĩ như vậy mình sẽ có niềm xót thương đối với bạn đó và không giận nữa. Trước hết phải nhận ra cơn giận của mình, đó là mình đang giận. Rồi lấy ra một đề mục thiền từ ái để quán chiếu và làm cho năng lượng từ ái tỏa ra khắp thân và tâm của mình thì một hồi sau sẽ không giận nữa.  

Người xấu ác nên tránh không nên tiếp xúc, không nên gặp gỡ người đó. Nếu tiếp xúc hay gặp gỡ nhiều khi người ta lại làm những hành động nguy hại đến mình, và nguy hại đến những người xung quanh. Đức Phật dạy hãy lánh xa kẻ xấu ác là như vậy. Thấy tình trạng không thể cứu vãn được nữa thì nên lánh xa những người đó ra.

Áp dụng đề mục ấy vào việc phát triển bậc thiền. Ở đây liên quan đến thiền quán nhiều hơn thiền tuệ. Trong trường hợp này, thở vào Con biết là cơn giận đang phát triển lên, con nhìn thấy cơn giận. Thở vào Giận à, thở ra Giận à. Thở vào Giận à, thở ra Giận à. Hoặc thở vào thấy bạn đó có lời nói dễ thương, thở ra thấy bạn ấy có lời nói dễ thương. Thở vào thấy bạn đó có hành động dễ thương, thở ra thấy bạn ấy có hành động dễ thương. Thở vào thấy bạn đó còn nhiều cái kẹt, thở ra thấy bạn đó còn nhiều cái kẹt. Thở vào  tập buông bỏ cơn giận, thở ra tập buông bỏ cơn giận. Thực tập cho đến khi cơn giận không còn nữa, mình ôm được và thương được người đó thì lúc này đã chuyển hóa được cơn giận trong mình.

Suy xét về nghiệp như là tài sản riêng của mình. Nhiều khi ai đó làm cho mình nổi giận, nói gì đó làm cho mình giận hoặc hành động gì đó làm cho mình giận bởi vì mình đã từng nói như vậy, đã từng hành động như vậy và bây giờ phải đón nhận những điều đó giống như quả của nghiệp. Mình phải trả những nghiệp như thế. Khi biết rằng đang trả nghiệp thì sẽ chấp nhận việc đang trả nghiệp. Mình thực tập im lặng sấm sét để không trả đũa và không làm gì sai trái để tạo nghiệp thêm nữa. Nghiệp đã trả rồi, có nghĩa là nghiệp đã chấm dứt. Trong giây phút đang trả nghiệp có nghĩa là đang giải thoát. Nếu đối trị với nghiệp của mình bằng tâm sân hận thì mình sẽ tiếp tục nuôi tâm sân hận. Khi nuôi cái gì thì cái đó sẽ lớn lên, khi sân hận lớn lên nó vượt ra khỏi cơ thể của mình thì mình chịu không nổi, mình trở thành nạn nhân của chính sân hận do mình tạo ra.

Thường xuyên như lý tác ý, là thường xuyên nghĩ, phát khởi những điều thiện lành, điều dễ thương. Thường xuyên nhìn vào điều dễ thương của người kia, thấy người đó có những điều dễ thương như thế này là cần phải học. Thấy sếp có những hành động không được dễ thương với mình nhưng thấy sếp lo lắng cho con cái rất chu toàn, đó là hành động rất dễ thương. Hãy nhìn vào những hành động dễ thương để học cho mình, và phát triển những tình thương trong mình với sếp.

Thân cận bạn lành, hay thân cận với những bậc thiện tri thức. Nên ở gần hoặc tiếp xúc với những người bạn lúc nào cũng nhắc nhở mình thực tập giữ giới, thực tập tu thiền, nhắc nhở mình phát triển trí tuệ, nhắc nhở mình bước đi trên con đường giải thoát và sống trong cảnh xuất thế gian chứ không phải sống trong cảnh thế gian nữa. Mặc dù sống ở giữa thế gian nhưng hãy làm cho tâm xuất thế gian.

Nhiệm vụ của người tu là lúc nào cũng làm cho tình thương càng ngày càng tăng trưởng. Hãy xem xét ngày hôm nay mình đã thương được thêm bao nhiêu người, người đang làm hại mình, mình đã thương được chưa. Cho nên khi đọc bài kệ: Cho dù ác độc phong tỏa. Cho dù ác ma trói buộc, con nguyện rằng vẫn thương người đó. Cho dù người đó cầm súng bắn mình chết thì vẫn nguyện rằng: mình vẫn thương người cầm súng bắn mình chết. Chính phủ Trung Quốc lúc nào cũng muốn xâm chiếm đảo của quốc gia này quốc gia kia. Kẻ thù của chúng ta không phải là con người mà nó chỉ là những tâm tham, tâm si mê, những tâm dại khờ sai sử sắc thân của người đó làm. Cho nên hãy rủ lòng thương, chia sẽ lòng thương với những hành vi sai trái đó. Khi mình ghê tởm những điều sai trái của người khác và làm những chuyện giống họ, có nghĩa là mình đang ghê tởm chính mình. Thực tập tha thứ và bao dung.

Nói những điều thích hợp trợ giúp cho việc phát triển từ tâm và loại bỏ sân hận. Đừng kể lể về những sân hận của mình với người này với người kia quá nhiều. Kể lể như vậy, mình muốn những người khác cũng đồng lòng với mình, đứng về phe của mình để giận người kia. Hãy nói những lời hòa giải, những lời hàn gắn, không gây chia rẽ nữa và thực tập hòa dịu với tất cả. Không biết cách nói thì hãy im lặng, còn biết cách nói thì mình nói.

Thắng phục Hôn trầm – thụy miên: Thấy rõ lý do phát sanh Hôn trầm – thụy miên nằm ở chỗ ăn uống quá độ. Đi vào một nơi mà người ta ăn uống nhiều thì hãy biết từ chối. Bây giờ người ta còn có tiệc buffet chay, nếu làm tiệc buffet chay để quyên góp từ thiện thì đó là điều rất tốt, đáng khen ngợi. Nhưng làm bữa tiệc buffet chay để thỏa mãn trong việc ăn của mình thì rơi vào trạng thái tham ăn. Ăn uống nhiều thì dẫn tới lười biếng. Lười biếng thì buồn ngủ không muốn đi ngồi thiền, không muốn tụng kinh, không muốn viết bài, không muốn tâm sự với người bạn đồng tu nữa. Mọi người hãy tiết độ trong ẩm thực của mình.

Đa phần thức ăn chay mang tính âm. Gỏi cuốn, hủ tiếu, rau cải rất âm. Ăn chay thuần âm đến một lúc nào đó dễ bị cảm hoặc bị bệnh. Buổi chiều hôm nay thầy ăn một tô cơm gạo lức mà chỉ ăn với muối mè, để dương hóa lại cơ thể, vì hồi sáng ăn đồ âm nhiều, uống một hộp sữa đậu nành nữa thì cơ thể trở nên âm hơn, nên buổi chiều ăn đồ âm nữa thì buổi tối có thể bị lạnh người hoặc sổ mũi. Buổi chiều phải ăn một tô cơm gạo lức muối mè, hoặc uống một ly bột với tương Tamari lâu năm để dương hóa cơ thể, giữ ấm phổi, giữ ấm cơ thể.

Nước tương Tamari lâu năm có tác dụng giữ ấm cơ thể, giúp thanh lọc gan, làm giảm mỡ trong máu. Mỗi ngày, buổi sáng sau khi ăn cơm xong, hoặc ăn sáng xong hãy múc một muỗng cafe tương Tamari để vào trong ly và chế một ít nước ấm vào, pha loãng ra cho bớt mặn rồi uống nước đó, để lọc gan, lọc những chất độc trong thức ăn của mình. Thức ăn cho dù là rau cải hay thịt thà, có rất nhiều chất độc. Sử dụng nước tương Tamari để lọc những chất độc trong cơ thể. Buổi trưa sau khi ăn cơm xong mình cũng dùng một muỗng như vậy. Nếu có thêm bột gạo lức nữa thì pha với bột gạo lức, còn chưa có bột gạo lức thì có thể pha loãng với nước ấm để uống, nhưng ít nước ấm thôi còn nước ấm nhiều quá thì không tốt, chỉ sử dụng vừa đủ. Buổi tối cũng có thể dùng, nhưng do nước tương Tamari rất dương cho nên nếu buổi tối muốn ngồi thiền lâu có thể sử dụng còn nếu không thì chỉ nên sử dụng buổi sáng và buổi trưa.

Trừ diệt Trạo cử – hối quá: Có kiến thức, đặt câu hỏi, hiểu biết giới luật, thân cận các bậc trưởng lão có kinh nghiệm hơn mình về pháp hành, được sự hỗ trợ của bạn lành, nói chuyện thích hợp giúp loại trừ Trạo cử – hối quá.

Trạng thái lăng xăng phải nhận ra Lăng xăng à hoặc Trạo cử à. Hay hối hận về việc mình đã làm thì phải nhận ra Hối hận à, phải niệm Hối hận à. Sau đó dừng lại đừng làm gì hết, hãy theo dõi hơi thở, theo dõi sự phòng xộp của bụng. Sau khi tâm bớt lăng xăng rồi thì hãy sắp xếp lại công việc.

Sở dĩ lăng xăng nhiều là bởi vì mình làm nhiều việc cùng một lúc và trong tâm lo sợ không biết có kịp hoàn thành công việc đó không. Có sự lo sợ thì niệm Lo sợ à. Mình cứ làm việc bình thường hết lòng và chú tâm vào công việc thì tự nhiên mọi thứ được sắp xếp đâu vào đấy, không cần phải lo sợ gì cả. Thầy đi dạy, nhiều lúc không đủ thì giờ để soạn bài vì thầy không chuyên về quan hệ công chúng, tự nhiên bây giờ dạy về quan hệ công chúng, có liên quan đến marketing. Thầy đâu có biết gì về quan hệ công chúng và không biết nhiều về marketing nên đi vô đó làm là phải học lại từ đầu. Lần vừa rồi thầy không đủ kiến thức để truyền đạt cho sinh viên nên thầy đề nghị với trường là cho thầy xin nghỉ. Lúc đó nhà trường mới nói rằng là nhà trường sẽ hỗ trợ về mặt kiến thức ngành quan hệ công chúng hoặc ngành marketing để có thể hoàn thành việc giảng dạy của thầy tốt hơn. Lúc đó họ sắp xếp một giảng viên khác để giúp soạn bài cho thầy và thầy chỉ việc chuẩn bị bài giảng thôi còn việc soạn bản trình chiếu để giảng thì có người soạn dùm, có nghĩa là họ chia công việc ra thêm cho một thầy khác. Có nhiều việc quá thì mình hãy nói với sếp của mình, mình nói: “Sếp ơi! Bây giờ có nhiều việc quá làm không kịp, sếp có thể giao thêm cho một người nào đó phụ con trong việc này hay không? Để công việc có thể hoàn thành tốt hơn, còn nếu con làm không kịp, con cứ chạy thì công việc không đạt kết quả như ý muốn”. Mình nói với sếp như thế đó thì sếp sẽ sắp xếp người khác cho mình thôi.

Vượt qua hoài nghi: Học hiểu những lời dạy của đức Phật, tìm hiểu rõ về đức Phật, giáo Pháp và thánh chúng đệ tử Phật, thông suốt giới luật, xác quyết niềm tin nơi tam bảo, sự hỗ trợ của bạn lành, nói chuyện thích hợp giúp đẩy lùi hoài nghi.

Khi có tâm hoài nghi thì đừng nuôi tâm hoài nghi đó trong lòng, phải đi gặp người mình nghi để hỏi chuyện, nói ra để cho người đó giãi bày với mình. Bằng không cứ nuôi tri giác sai lầm hoặc tâm hoài nghi trong mình. Tâm hoài nghi sẽ phát sinh ra tâm sân, hôn trầm – thụy miên,  dục tham. Tâm sân là giận tại sao hồi nào đến giờ nghe theo người đó làm chi. Hôn trầm – thụy miên, có nghĩa là lười biếng, không muốn thực tập bài đó nữa. Hoặc tâm tham dục, có nghĩa là muốn đi chơi để từ bỏ việc thực tập của mình. Tình trạng này rất dễ diễn ra khi ở trong chùa xung quanh ai cũng thực tập hết thì mình có xu hướng mình thực tập. Trong quân đội có thời gian không ai cản trở, không bị sắc dục lôi kéo, mình muốn thực tập, nhưng khi về nhà mình gặp cô này, gặp cô kia, tự do thoải mái lên mạng Internet rồi người này người kia chạy tới hỏi thăm thì sắc dục lôi kéo mình đi. Dục tham phát khởi rất mạnh, tại vì sau một khoảng thời gian ngủ ngầm, nằm im tự nhiên bây giờ nó bung ra, giống như ngọn núi lửa bung ra vậy nên thừa cơ hội để bay nhảy. Chính vì thế khi trở về nhà mình phải thực tập miên mật hơn nữa, gặp những khó khăn gì đó thì phải gọi điện thoại cho bạn đồng tu, hoặc gọi điện thoại cho thầy nhờ sự giúp đỡ thì các bạn đồng tu hay thầy sẽ giúp để vượt qua khó khăn, chứ mình không im im, mình ôm  tham dục đó nó sẽ nỡ ra dần dần rồi đến lúc nào đó mình bị đi xuống. Nhiều khi chưa làm gì hết nhưng tâm nghĩ nhiều quá thì nó sẽ đi xuống, bởi vì sự đi lên hay đi xuống là do tâm của mình. Khi tâm bao la thênh thang thì nó sẽ đi lên, tâm đi vào cái hướng của bất thiện nhiều quá thì nó sẽ đi xuống.

Khi một vị Tỳ kheo nhập vào một bậc thiền nào đó mà không hoàn toàn đè nén tham dục bằng cách hồi tưởng những nguy hiểm của dục, không làm lắng dịu hoàn toàn những bực bội của thân bằng an tịnh thân, không hoàn toàn loại bỏ Hôn trầm – thụy miên bằng đề khởi phát cần giới, không hoàn toàn loại bỏ Trạo cữ – hối quá  bằng cách khởi phát tịnh chỉ tướng và không hoàn toàn thanh tịnh tâm khỏi những trạng thái chướng ngại định khác, thì vị Tỳ kheo ấy chẳng bao lâu sẽ xuất thiền, như con ong bay vào một cái tổ không sạch, hay như đức Vua ngự bào một khu vườn bẩn thỉu.

Ngày nào cũng ngồi thiền, tự nhiên có một ngày không ngồi thiền thì mình có cảm giác ngày đó mình rất ô nhiễm, bứt rứt khó chịu, bị thế gian đi một chút, bị trần tục đi một chút. Nếu như hai ngày không thực tập thiền miên mật thì mình trần tục thêm nữa, và cái tính trần tục đó càng ngày càng gia tăng cho đến lúc nào đó mình bỏ thiền luôn, mình không thiền được nữa mặc dù trước đó mình thực tập thiền rất giỏi. Việc hành thiền là phải mỗi ngày, ngoài giờ công phu ra rãnh thêm giờ nào khác nữa thì phải tiếp tục thực tập thiền.

Một vị Tỳ kheo đã nhập vào một bậc thiền nhưng những tham dục hoặc năm chướng ngại của nội tâm chưa được đoạn trừ, thì đến lúc nào đó năm chướng ngại này sẽ nở to ra và chẳng bao lâu vị Tỳ kheo này sẽ không thiền được nữa. Vị ấy sẽ phải xuất thiền, không đi vào thiền được nữa, như con ong bay vào tổ không sạch sẽ bay ra, như đức Vua đi vào một khu vườn không có một bông hoa nào cả mà đầy rác rến thì ông vua này sẽ chê khu vườn đó và ông Vua sẽ đi sang một khu vườn khác, có nhiều bông hoa, có nhiều chim hót líu lo, có nhiều khung cảnh đẹp, đó là chuyện đương nhiên. Cho nên phải chú ý thực tập thiền tuệ miên mật, phải chuyển hóa cho được năm chướng ngại nội tâm cho đến khi diệt trừ được năm chướng ngại nội tâm luôn.

Phương pháp chánh niệm

Phương pháp này cũng bao hàm những bước tiên khởi cần phải tuân thủ như trong tiến trình tu tập theo tuần tự: Giữ giới, chế ngự các căn, chánh niệm tỉnh giác, tri túc trong ẩm thực. Phương pháp chánh niệm trực tiếp tiến hành việc quán sát các hiện tượng thân – tâm hay danh sắc với mục đích khơi dậy tuệ giác.

Thực tập thiền tuệ chẳng qua là quán sát danh pháp và sắc pháp, thấy sắc pháp là tứ đại chủng, còn danh pháp là nói đến tâm và sở hữu tâm. Sở hữu tâm thì có năm mươi mấy tâm sở. Còn tâm là cái biết, cái biết tới cái gì đó, nhận thấy cái gì đó. Chỉ cần quán sát thân, quán sát danh pháp, tâm và sở hữu tâm. Sử dụng tâm để quán sát thân và sử dụng tâm để quán sát sở hữu tâm.

Phương pháp chánh niệm theo tuần tự là giữ giới, sau này mình có hướng dẫn ai thực tập, việc đầu tiên là phải hướng dẫn cho người ta giữ giới, không bỏ giới được. Tại vì nếu không giữ giới thì sẽ tạo nghiệp, còn tạo nghiệp thì làm sao mà tu thiền.

Chế ngự các căn và chánh niệm tỉnh giác. Muốn chế ngự các căn, chánh niệm tỉnh giác thì phải tu thiền tuệ. Đối với chế ngự các căn là đang thực tập ở bài số 8, niệm nghe à, thấy à, ngửi à, nếm à, xúc chạm à, suy nghĩ à, phóng tâm à. Tất cả những cái đó là mình đang thực tập để chế ngự các căn của mình, để không cho vướng vào tất cả các dục, dục của mắt, dục của âm thanh, dục của lưỡi, dục của mũi và dục của thân, dục của suy nghĩ. Nhiều khi mình không ăn món đó nhưng tâm muốn ăn, tâm thèm ăn. Chính tâm thèm ăn thôi thúc mình đi kiếm món đó để ăn. Hoặc có những món ăn không được, nhưng người ta cúng dường cho mình món đó thì sao? Để tạo phước cho người cúng dường thì nhiều khi mình cũng ăn, nếu ăn không được thì mình nhường cho vị khác để vị khác có thể sử dụng thức ăn tạo phước cho chúng sinh chứ không có bỏ. Chánh niệm tỉnh giác là phải thực tập chánh niệm, thực tập thiền suốt ngày.

Tri túc trong ẩm thực là biết đủ, tri túc là biết đủ. Đừng tham ăn quá nhiều. Tu là gì? Tu đơn giản là chỉ đừng tham ăn, đừng tham ngủ, đừng tham sân. Có những người tự hào là mình nóng tính, có người nói rằng tôi là người nổi tiếng về sự nóng tính. Đó là tai tiếng chứ không phải là nổi tiếng. Lầm tưởng nóng tính là một điều hay, ai dè điều nóng tính là điều hại mình. Mình nóng tính thì trong cơ thể tiết ra những chất độc, ngấm vào cơ quan nội tạng hoặc chỗ nào đó trên cơ thể thì chỗ đó phát bệnh ra. Không phải chỉ ăn uống mới tạo ra bệnh mà tâm cũng tạo ra bệnh, tâm bệnh làm cho thân bệnh. Thức ăn là thuốc nhưng cách chế ngự tâm của mình, cách mình sử dụng tâm cũng tạo sức khỏe hay tạo bệnh. Có những người bệnh rất nặng tưởng không qua khỏi, nhưng nhờ sự dũng mãnh của tâm mà người ta vượt qua khỏi, còn có những người bệnh rất nhẹ nhưng tâm yếu đuối nên bệnh trở nên nặng.

Vị Tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái. Thế nào là vị Tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái? Ở đây, khi dục tham có mặt, vị ấy biết rõ dục tham đang có mặt trong ta, vị ấy biết rõ vì sao dục tham chưa sanh lại khởi lên, vì sao dục tham đã khởi được đoạn trừ và làm thế nào dục tham đã được đoạn trừ không sinh khởi trở lại. Đối với sân hận, hôn trầm – thụy miên, trạo cử – hối quá và hoài nghi, vị ấy cũng biết rõ như vậy.

Bốn diệu đế là khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế, đọc thấy rất đơn giản nhưng có thể ứng dụng vào tất cả mọi trường hợp. Ví dụ bị Thụy miên, hay ngủ nghĩ rất nhiều thì quán nguyên nhân nào dẫn tới trường hợp Thụy miên, làm sao để thụy miên được đoạn trừ, và làm thế nào thụy miên đã đoạn trừ rồi không tái sinh trở lại, không bị trở lại nữa. Đó là quán tứ diệu đế trong thụy miên.

Nhờ quán sát việc sinh và diệt của các tiến trình tâm lý kết hợp với các triền cái, hành giả có được tuệ thể nhập vào sự thực vô thường. Nhờ chú tâm đến bản chất bất ổn và những ảnh hưởng khuấy động của chúng, hành giả thấy ra sự thật về khổ. Và nhờ quán năm triền cái như những sự kiện phi cá tính thuần túy, không một thực thể hay một chỉ dấu nào để định vị tự ngã, hành giả hiểu được sự thật về vô ngã. Nếu những tuệ giác này được liên tục tu tập và phát triển sâu hơn, chúng sẽ dẫn đến việc chứng các siêu thế đạo.

Đoạn trừ năm triền cái thông qua thiền quán và thiền tuệ thì sẽ chứng được vô thường, năm triền cái đó có thể diệt được, nó không phải là cái mãi mãi mà có thể phát khởi, diễn ra rồi sau đó kết thúc và không còn trở lại được nữa một cách viên mãn. Giống như một người hay nổi giận nhưng người ta không thể nào nổi giận 100 năm, cả một đời nổi giận được. Đến một lúc nào đó sẽ không còn sức để nổi giận nữa, hoặc ngay cả trong một ngày người ta không thể nổi giận suốt ngày 24 tiếng đồng hồ, có thể người ta nổi giận 1 giờ đồng hồ, hoặc nhiều lắm là 15 phút sau đó cơn giận sẽ nguôi ngoai đi.

Vấn đề là phải đối trị với cơn giận đó như thế nào? Đừng làm gì hết, đừng nói gì hết, im lặng, chờ cho cơn giận nguội, lúc đó mới bắt đầu thực tập quán tại sao lại giận như vậy? Làm thế nào để cơn giận đừng diễn ra? Mình chứng được tuệ giác vô thường.

Bây giờ người ta nói về vô thường thao thao bất tuyệt, nhưng chỉ hiểu về vô thường thôi chứ chưa có chứng được vô thường. Ví dụ nói: Hi vọng rằng công ty chúng ta sẽ tồn tại muôn năm. Không có đâu! Tất cả những cái đó đều là giả tạo, mình tự lừa mình thôi. Không có cái gì gọi là quang vinh muôn năm cả mà đến lúc nào đó, cái gọi là quang vinh sẽ phải thoái trào để thay vào đó một cái tốt đẹp hơn, hoặc một cái tệ hơn. Nói muôn năm hoặc mãi mãi về sau là chưa chứng được cái vô thường.

Khi chưa chứng được vô thường thì vẫn còn phiền não, bằng chứng là mình có thể nói về vô thường nhưng vẫn còn phiền não. Nếu biết phiền não là vô thường thì sẽ không khổ. Sau đó sẽ chứng về Vô ngã. Nếu diệt trừ được năm triền cái thì sẽ chứng được cái vô ngã. Cái Vô ngã ở đây là đối với cái sân hận, không phải là do sân hận mà do sở hữu sân bị tác động bởi những ngoại cảnh, bởi những nguyên nhân ở bên ngoài và ở bên trong tạo ra một tình trạng, tạo ra một trạng thái gọi là sân. Cho nên sân cũng là vô ngã, năm triền cái là vô ngã, thấy các pháp đều vô ngã từ việc thực tập chánh niệm về năm chướng ngại của nội tâm.

Đạo đầu tiên tức Nhập lưu thánh đạo cắt đứt hoài nghi triền cái. Muốn đi vào Nhập lưu thánh đạo thì mình phải chấm dứt được tâm hoài nghi, giới cấm thủ, thân kiến. Có nghĩa là năm tâm độc tham, sân, si, mạn, kiến vẫn còn, năm tâm cực độc vẫn còn. Tâm Vô sắc giới thì tham, sân, si, mạn, nghi, kiến vẫn còn.

Đạo thứ hai là Nhất lai thánh đạo làm suy yếu tất cả các triền cái nhưng chưa dứt được. Đối với Nhất lai thánh đạo (Tư-Đà-Hàm) thì mình thấy mình làm giảm được tâm tham và tâm sân chút xíu thôi.

Đạo thứ ba là Bất lai thánh đạo (A-Na-Hàm) là cắt đứt dục tham, sân hận và hối quá. Nhưng tâm Si vẫn còn, Kiến vẫn còn.

Đạo thứ tư: A-La-Hán đạo là cắt đứt các triền cái còn lại là Hôn trầm – Thụy miên, trạo cử. Đối với A-La-Hán đạo thì sáu tâm cực độc nó đã bị cắt đứt, như vậy chỉ có vị A-La-Hán mới hoàn toàn vượt qua các triền cái. Đối với bậc thánh Tu-Đà-Hoàn, Tư-Đà-Hàm, A-Na-Hàm vẫn bị rớt xuống cõi dưới như thường. Khi chưa hoàn toàn giải thoát, chưa đắc đạo quả A-La-Hán hay độc giác Phật hoặc Tam thế Phật mà mới tới tầng A-Na-Hàm, tới bậc thánh thứ 3 chưa giải thoát hoàn toàn, nếu như phạm giới là vẫn rớt xuống cõi dưới như thường.

Các triền cái như món nợ, như bệnh hoạn, như ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường đi qua sa mạc, chúng che mắt con người khiến họ không thể thấy được lợi ích của bản thân mình, lợi ích của người khác hoặc lợi ích của cả hai. Do ảnh hưởng của các triền cái con người làm những điều lẽ ra họ không nên làm và xao lãng những bổn phận lẽ ra họ phải làm. Chúng làm uế nhiễm tâm và suy yếu trí tuệ, tác thành si ám, tác thành không mắt, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đi đến Niến Bàn. Ví như vàng bị suy kém bởi năm tạp chất: Sắt, đồng, chì, thiếc và bạc. “Không mềm dẻo, không dễ dùng, không chói sáng, dễ bể vụn và không thể chạm trổ tinh xảo được”, tâm cũng vậy, bị uế nhiễm bởi năm triền cái, “không nhu nhuyến, không dễ dùng, không chói sáng, cứng rắn và không thể định tâm chân chánh vào việc đoạn trừ các lậu hoặc”. Chính vì vậy nếu ai nói một cách chân chánh về các triền cái người ấy phải nói chúng là một đống tâm bất thiện, vì quả thực năm triền cái này là một đống tâm bất thiện hoàn toàn.

Năm triền cái là Tham dục, sân hận, Hôn trầm – thụy miên, Trạo cử – hối quá và Hoài nghi. Đó là năm tâm triền cái hợp lại thành tâm bất thiện. Cho nên thực tập thiền tuệ, tới bài số 11 và bài số 12 là mình sẽ thực tập đoạn trừ năm triền cái. Khi đoạn trừ được năm triền cái rồi thì mới đi qua bài tiếp theo được, còn nếu không thì nó vẫn cứ ở đó thôi.

Đức Phật mới dạy năm triền cái là một đống tâm bất thiện, trong đó có một vài tâm thuộc dạng tâm cực độc là tâm sân và tâm tham. Tâm sân và tâm tham là hai tâm trong năm tâm cực độc.

Khi còn bị Thụy miên, có nghĩa là còn ham ngủ nghỉ thì đó là một sự uế nhiễm, là tình trạng bất thiện của tâm. Ai mà cứ ngủ đến 11 -12 giờ trưa mới dậy hoặc 9 – 10 giờ mới dậy là tình trạng uế nhiễm của tâm. Nó như là món nợ, rất bệnh hoạn, rất ngục tù, là một cảnh nô lệ, là con đường đi qua sa mạc. Tại vì ngủ nhiều thì không có thì giờ để thực tập và tham dục nhiều thì mình đâu có thì giờ để thực tập đoạn tham. Làm việc quá nhiều, không có thì giờ ngồi thiền, không có thì giờ học kinh, không có thì giờ quán những tâm sân của mình. Không làm cho những tâm thiện phát khởi, thì một đống tâm bất thiện sẽ bùng ra.

Khi năm triền cái đã được đoạn trừ, vị Tỳ kheo tự mình quán thấy như người đã thoát nợ, hết bệnh, khỏi tù tội, một người tự do và như đất lành an ổn. Cùng với sự đoạn trừ năm triền cái, khả năng phát triển tâm linh của hành giả cũng được khai mở, không còn bị hạn chế. Cũng như vàng đã được tinh lọc khỏi năm tạp chất sẽ trở nên mềm dẻo, tinh chất, chói sáng và bền vững, có thể chạm trổ dễ dàng.

Tâm không bị sai sử bởi năm triền cái thì tự nhiên có tuệ giác, biết bao nhiêu tuệ giác phát khởi. Bây giờ mình phải nương nhờ vào tuệ giác của người khác bởi vì mình đang bị sai sử bởi năm triền cái. Năm triền cái này che mờ hết tất cả tuệ giác của mình, nó giấu những tuệ giác của mình đi chỗ khác. Giống như điện thoại đang để ở trên bàn, trước mặt cứ đi kiếm cái điện thoại, dòm lên cái tủ, dòm trên giường, dòm xuống đất, mình lấy giỏ xách ra lục. Chuyện gì khiến che mờ mắt của mình mà mình không dòm lên bàn để thấy điện thoại mà chỉ dòm ở những chỗ khác. Tại vì tâm đang lăng xăng, tâm nghĩ rằng điện thoại nằm trong tủ, trong túi, trên giường, ở dưới sàn nhà. Đó là bị những suy nghĩ mông lung ở xung quanh kéo mình đi, vì thế mình không tìm thấy sự thật là điện thoại đang ở trên bàn.

Tuệ giác là ai cũng có sẵn, là do những tham dục, do những hoài nghi, triền cái, tâm bất thiện dồn lại thành một đống và chôn tuệ giác của mình xuống đáy mồ. Mình cất tuệ giác đi chỗ khác không mang ra xài được. Năm triền cái hay sáu tâm cực độc giống như những tên sát thủ giết chết tuệ giác của mình.

Khi tâm được thanh lọc khỏi năm uế nhiễm này thì sẽ trở nên nhu nhuyễn, dễ sử dụng, sáng chói, không vỡ vụn và có thể định tâm chân chánh vào việc trừ diệt các lậu hoặc. Và bất cứ pháp nào có thể chứng ngộ bằng thắng trí, nếu muốn, trong mỗi trường hợp, vị ấy có thể hướng tâm đến sự chứng ngộ pháp ấy khi các điều kiện khác đã được hoàn thành.

Năm triền cái không còn thì tâm đã được thanh lọc và trí tuệ phát triển. Ai cũng có tuệ giác sẵn có hết, chẳng qua bị che mờ bởi những ngu si ngàn năm, ngu si trường kỳ. Khi tất cả những ngu si đó không còn, những triền cái không còn, những chướng ngại không còn thì giống như đã mở hết tất cả những khóa tủ, sẽ thấy được vàng nằm sâu trong đáy tủ, giống như tìm thấy tuệ giác nằm sâu trong tâm thức của mình.

Sự giải thoát khỏi năm triền cái là một điều kiện cần thiết cho sự khởi lên của Pháp nhãn, khả năng thấu trị trực tiếp chân lý dẫn đến tầng giải thoát đầu tiên gọi là Nhập lưu thánh đạo. Những vị đã nhập vào dòng thánh tiếp tục tu tập để đạt đến sự an ổn tối thượng khỏi các khổ ách và trú ở đó sau khi đã đoạn diệt năm triền cái. Khi tâm đã trở nên định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn dễ sử dụng, vững chắc bình thản như vậy, hành giả có thể hướng tâm đến tam minh: Túc mệnh minh – khả năng nhớ lại tiền kiếp của mình; Sinh tử minh là khả năng biết được việc sinh tử của các chúng sinh khác; Lậu tận minh là khả năng biết sự đoạn tận của các lậu hoặc.

Người tu thiền đoạn trừ được năm triền cái là có khả năng đắc thần thông. Đắc thần thông ở đây không phải là theo kiểu ảo thuật, hay theo kiểu coi bói mà là sử dụng tuệ giác để nhìn thấy tiền kiếp của mình. Sử dụng tuệ giác để nhìn thấy việc tử sinh của chúng sinh khác, để đoạn tận các lậu hoặc. Thông thường những người tu thiền tuệ đoạn trừ được năm triền cái và sáu tâm độc rất dễ đắc thần thông.

Tất cả những ai đã giải thoát, đang giải thoát hoặc đã giải thoát khỏi thế gian này đều phải giải thoát bằng việc đoạn trừ năm triền cái làm ô nhiễm tâm và suy yếu trí tuệ, nhờ khéo an trú tâm trên bốn niệm xứ và chân chánh tu tập thất giác chi.

Trong kinh Đại niệm xứ nói đến thất bồ đề phần hay bảy yếu tố ngộ đạo và khi đạt được bảy yếu tố ngộ đạo đó thì mình có thể đi thêm một bậc giải thoát nữa. Nếu muốn giải thoát thì phải đoạn cho được năm triền cái này, còn nếu chưa đoạn được năm triền cái này thì vĩnh viễn vẫn chưa giải thoát xa được, và chưa có thể đi xa được. Trong đó có tham dục, làm sao buông bỏ được thân kiến. Trong đó có cái giới cấm thủ, làm sao để không rơi vào những tà kiến. Trong đó có tâm hoài nghi, làm sao mình đừng để những tâm hoài nghi vào Tam bảo phát khởi.

Sau khi thực tập được bậc thứ nhất của thiền minh sát tuệ, mình sẽ đi tới bậc thứ hai của thiền minh sát tuệ. Theo kinh Đại niệm xứ, lúc đó tâm mình sẽ có định sâu hơn và tình thương của mình rộng lớn hơn.

Có những người tu thiền nhưng vẫn rớt xuống cõi dưới, giống như Đề Bà Đạt Đa đã đắc tứ thiền nhưng vẫn bị rơi vào tà đạo ở chỗ là vọng tưởng mình là số 1, rồi chia rẽ tăng đoàn, muốn làm bá chủ thiên hạ. Cái tham vào danh vọng vẫn còn như thế thì chắc chắn không thể nào đắc quả vị A-La-Hán được.

Thực tập thiền là một chuyện nhưng phải làm sao làm cho cho tình thương trong mình lớn lên, bao trùm hết tất cả thì mới giải thoát được. Nếu tu thiền giỏi cách mấy đi chăng nữa nhưng tình thương không bao la khắp thiên hạ thì việc tu thiền chưa đúng cách. Vấn đề tu thiền là để cho nhận diện được những tâm bất thiện và nhận diện được những tâm thiện, làm cho tâm thiện phát khởi và tâm bất thiện đi lui. Tình thương chưa lớn lên được thì mình chưa đi lên được bậc Phạm Thiên, vẫn sẽ ở Vô Sắc Giới triền miên và đến khi hết phước rồi, không duy trì được ở chỗ Vô Sắc Giới thì nó lại đi xuống.

Ngay cả chư Phật Chánh đẳng giác trong quá khứ, trong hiện tại và chư Phật Chánh đẳng giác vị lai chứng đắc quả vị vô thượng cũng không, do trước phải đoạn diệt năm triền cái.

Đoạn diệt được năm triền cái này thì mình sẽ thấy tình thương trong mình tăng trưởng rất mãnh liệt. Tại vì thương cho nên mình không tham dục, không sân hận, tại vì mình thương cho không hoài nghi, không Hôn trầm – thụy miên, dành thời gian đó để lo tu tập. Bởi vì thương  nên không Trạo cử – hối quá, không lăng xăng, không phóng dật.

Việc tu thiền là phải làm sao cho tình thương trong mình phát khởi lên rất nhiều. Bởi vậy sau khi ngồi thiền xong hãy rải tâm từ là vậy, mục đích của việc rải tâm từ là để thực tập tình thương. Làm sao những người mình ghét hồi nào đến giờ, những người hại mình hồi nào đến giờ mà mình vẫn tiếp tục thương những người đó, không chối bỏ những người đó. Những quốc gia cho là kẻ thù mình vẫn thương được như thường. Vẫn cầu nguyện cho những quốc gia đó, vẫn cầu nguyện cho những người hãm hại mình hoặc ghét bỏ mình, hoặc sân hận với mình. Vẫn cầu nguyện cho họ có nhiều tình thương, quay đầu là bờ, cho họ sống lâu có nhiều sức khỏe được hưởng năm điều an vui. Đó mới gọi là tình thương đích thực, mình không rơi vào tà tư duy.

Con xin hồi hướng công đức này đến cho ba mẹ ông bà, tổ Hùng Vương, đến cho các học trò ở quá khứ, hiện tại và tương lai, đến cho các chúng sinh ở tất cả các cõi. Cầu nguyện cho chúng sinh mười phương được hưởng năm điều an vui. Cầu nguyện cho thế giới hòa bình. Cầu nguyện cho chúng sinh và muôn dân luôn được an lạc, thành tựu và đắc đạo quả Niết Bàn. Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

 

Nhãn: , , , , , ,

Bình luận về bài viết này