RSS

Thức – Xin cho một ngày từ ái

01 Th2

xin-cho-mot-ngay-tu-ai

Thức
Xin cho một ngày từ ái

            Do thiện hành, bất thiện hành, bất động hành làm nhân nên có thức là quả. Đây là thức tái sinh, do tư tác hay do hành nghiệp chi phối (Minh Đức Triều Tâm Ảnh, 2014). Còn tạo nhân thì tiếp tục hưởng quả hay trả quả và còn tái sinh. Tái sinh để hưởng quả thiện hay trả nghiệp bất thiện. Quả thường hay đến chậm so với nhân, nhưng thực tế nó đã phát khởi trong từng sát na, chỉ do điều kiện chưa chín muồi nên chưa thấy rõ quả. Đi làm lãnh lương vào cuối tháng, ta chỉ thấy lương vào ngày 30 hay ngày một tây. Nếu nhìn kỹ, lương đã phát khởi trong ngày làm việc đầu tiên, chỉ có điều người ta không phát lương mỗi ngày mà để cuối tháng mới phát, nên muốn hưởng quả lương phải chờ đến cuối tháng. Cũng vậy, một số quả đến chậm do quả trước đang biểu hiện chưa hết nên quả tiếp theo vẫn chưa thể trào ra. Kẻ làm ác chưa thấy ác vì quả ác chưa chín muồi. Quả ác chín muồi rồi, kẻ ấy mới thấy khổ đau. Tâm quả tự nhiên phát sinh khiến cho mình phải tái sinh. Làm việc ác thì phải tái sinh vào bốn cảnh khổ hay người bất hạnh. Làm việc thiện thì phải tái sinh vào những cảnh an nhàn hay gặp nhiều thuận lợi. Thức đi về đâu hay tái sinh về đâu do những nghiệp mà chúng ta đã gieo tạo nên lúc nào cũng phải cẩn thận, trong lời nói, suy nghĩ và hành động.

            Mỗi ngày chúng ta phát nguyện làm những công việc từ ái cho mình và cho người. Muốn thương người khác trước hết phải thương lấy mình, cho phép mình tiếp xúc với những mầu nhiệm của hạnh phúc. Hiện tại có hạnh phúc thì ngày mai, ngày mốt, ngày kia nữa mình mới có hạnh phúc. Nhớ rằng hạnh phúc này phải đích thực, bằng không nó vẫn hàm chứa hay rình rập của khổ đau. Từ ái với chính mình một cách trọn vẹn, ta bắt đầu mở rộng chu vi của từ ái, với người thương ta, với người chưa thương ta, với đồng loại, với muôn loài. Từ ái giúp thân tâm không nhảy múa như trong cõi dục và không bị rung lắc bởi những cạm bẫy ở bên ngoài. Một ngày từ ái được hiến tặng đến cho ta bởi chính ta và hiến tặng cho những người xung quanh. Sự hiến tặng này phải chân thật và không cầu thị, bằng không sự quan tâm đến người khác có thể chỉ là phép lịch sự. Một người bạn bị bệnh và ta gọi điện hay nhắn tin hỏi thăm với mong muốn thăm hỏi tình hình sức khỏe và giúp cho bạn khỏe mạnh, nhưng hỏi chỉ để xã giao thì có vẻ không mặn mà lắm. Nếu lúc nào ta cũng từ ái, một ngày, hai ngày, một tháng, hai tháng, một năm, hai năm, ta có thói quen hiến tặng từ ái và những việc ta làm sẽ đi về nẻo của từ ái. Lúc này, ta là một đấng từ ái và chắc chắn thức sẽ tái sinh về cõi từ ái, đẹp đẽ và an lành.

            Tôi thường hay ngồi lặng lẽ ở nơi đông người. Có thể xung quanh rất ồn ào nhưng tôi vẫn lặng lẽ, lặng lẽ đi, lặng lẽ ngồi, lặng lẽ làm việc và lặng lẽ sống bên đời. Nhờ lặng lẽ mà tôi có đủ thì giờ và năng lượng để quan sát và lắng nghe mọi thứ. Nơi quán xá, xung quanh rất đông người nhưng tôi lặng lẽ ngồi ăn một mình. Một học trò bảo tôi, Sao nhìn thầy cô đơn quá hay một đồng nghiệp nói với tôi, Thầy cần tham gia nhiều hoạt động để có thể “socialize” hơn. Ngồi ăn chậm rãi, tôi có thể thưởng thức món ăn đầy đủ và quan sát các học trò tôi nhiều hơn. Lúc nào đó có thể tôi sẽ ngồi thiền trong trường và dành nhiều thời gian hơn lắng nghe vạn vật xung quanh. Thời gian qua có vẻ tôi hơi hối hả nhưng đã nhận ra và biết dừng lại. Không có gì phải chạy và không cần thiết phải náo nhiệt. Đôi khi người ta tìm thấy hạnh phúc trong sự náo nhiệt đó mà quên đi rằng sự lặng lẽ và yên tĩnh cũng có hạnh phúc riêng của nó. Từ trường RMIT chạy xe máy về nhà rất xa. Những lúc đông xe vào giờ cao điểm, tôi chạy đến hơn một tiếng rưỡi nhưng tôi không cảm thấy mệt nhiều. Thời gian chạy xe tôi tập chánh niệm, tập rải tâm từ và tập nguyện cầu cho chúng sinh, cho mọi người xung quanh. Cuộc hành trình từ trường về nhà là một chuỗi sự thực tập. Tôi có nhiều bài thực tập lắm và thực tập hoài không hết. Tôi thực tập từ ái, cho thân mềm ra, cho tâm mềm ra, không còn góc cạnh như thuở thiếu thời. Cục thương cục nhớ trong tôi không còn nữa. Tôi không dính vào chuyện tình cảm luyến ái và giờ đây tôi thực tập tình thương dành cho mình và chúng sinh trong thế giới rộng lớn. Thực tế tôi không có lặng lẽ, tôi đang thực tập đấy thôi. Tôi muốn mỗi giây phút tái sinh đều được từ ái. Không phải chúng ta chết mới tái sinh mà chúng ta tái sinh ngay lúc này, thời khắc này, bây giờ đây, giây phút hoành tráng của hiện tại. Thật vậy, sống sâu sắc trong hiện tại là cách làm cho đời sống của chúng ta được hoành tráng.

   Phật là rễ sáng trong tâm, đang có sẵn, chỉ cần ta dừng lại là có thể nhận ra. Phật chính là từ ái, sự dễ thương sáng trong trong mỗi sớm mai thức dậy, mỗi buổi trưa yên bình hay mỗi buổi tối tĩnh lặng. Phật không là hình tướng mà là trạng thái, như ngọn đèn có thể điều chỉnh giữa sáng và tối mỗi khi nó được tắt hay mở. Trạng thái có thể tự điều chỉnh tùy theo thái độ. Muốn mọi thứ đều là Phật, chỉ cần giữ thái độ Phật. Người đối diện là một vị Phật, người bên phải, người bên trái, hay người ta nhìn thấy trong gương. Bằng tâm Phật rải đi khắp bốn phương trời, ta sẽ đắm mình trong một cõi mang cốt cách Phật, cõi do tâm ta tạo ra. Cuộc đời có thể có nhiều sỏi đá hay bãi có xanh rì là do cách ta trồng hay nuôi dưỡng nó. Sỏi đá có thể trang trí nhà cửa. Các nhà phong thủy thường hướng dẫn sử dụng những viên đá trang trí trong căn nhà giúp trường năng lượng nơi mình ở trở nên nhẹ nhàng và uyển chuyển hơn. Sỏi đá không phải là điều gây cản trở, có tác dụng làm lành theo hướng ta sử dụng nó như thế nào. Cuộc đời năng lượng từ ái nhiều lắm, chỉ cần ta nhìn nhận nó bằng cội rễ của tâm, mọi thứ sẽ trở nên từ ái, dễ thương và đẹp đẽ, như ngày mùng một tết. Ngày này ngoài đường rất vắng, xe cộ không nhiều vì đa phần mọi người ở trong nhà, về quê hoặc đi du lịch. Nhưng đó là cảnh. Ta thích cảnh vắng người hay yên tĩnh nhưng bằng tâm từ ái, gốc rễ của tâm Phật, dù cảnh như thế nào, lưa thưa hay đông đúc, không làm cho ta xuyến xao, ta vẫn thương cảnh như nó đang là. Tập như thế, thức sẽ trở nên mềm mại và dễ chịu, cho đến khi ta mềm mại và dễ chịu, và rồi ta tiếp nối trong sự mềm mại và dễ chịu.

            Sáng nay, như mọi ngày, tôi dậy sớm ngồi thiền và ngắm nhìn bình minh trên tầng áp mái. Có thể ta không có nhiều thì giờ ngắm nhìn bình minh hay hoàng hôn nhưng chúng vẫn có mặt đó. Phật cũng đang có mặt đó nhưng ta bận quá, không có thì giờ ngắm nhìn Phật. Cho Phật là cái tượng gỗ, bằng đồng, bằng thạch cao là rơi vào cái bẫy của cổ nhân, giáo lý cũng vậy, những cái như Pháp thân, báo thân, ứng thân, cõi cực lạc, đâu xuất đà thiên… đều là những phương tiện của Phật và Bồ tát đưa ra để ta tu tập, nếu kẹt vào là rơi vào bẫy của cổ nhân. Bình minh và hoàng hôn không bao giờ mất đi vì chúng vừa biểu hiện ở đây đã biểu hiện ở chỗ khác do sự xoay chuyển của địa cầu. Phật không ở đâu xa, ngay trong tâm. Do không chịu nhận diện Phật mà ta cho Phật là bức tượng gỗ. Sao ta không lạy chính mình, lạy Phật trong tâm của mình, hà cớ gì phải đi lạy bức tượng gỗ? Phật là từ ái. Di Lạc là từ ái. Từ ái là yêu thương bằng tâm từ, là hạnh của Di Lạc. Với tâm từ ái sáng trong, ta bay đi như một thiên thần, đem tình thương khắp chốn nhận gian. Tập thiền giúp phát khởi từ ái và sau buổi thiền ta rải từ ái đó đi, cho mẹ, cho ba, cho thầy, cho bạn đồng tu, cho những người ta thương và những người thương ta, cho những người ta chưa thương và những người chưa thương ta. Thức có mắt thức, tai thức, mũi thức, lưỡi thức, thân thức và ý thức. Mắt tiếp xúc với sắc sinh ra những ý niệm về sắc là mắt thức. Tai tiếp xúc với âm thanh sinh ra những ý niệm về âm thanh là tai thức. Mũi tiếp xúc với mùi hương sinh ra những ý niệm về mùi hương là mũi thức. Lưỡi tiếp xúc với mùi vị sinh ra những ý niệm về mùi vị là lưỡi thức. Thân thể tiếp xúc với thân thể sinh ra những ý niệm về xúc chạm là thân thức. Ý tiếp xúc với pháp sinh ra những ý niệm về pháp là ý thức. Thức có thể là thành tựu của quả thiện hay quả bất thiện. Suy nghĩ, lời nói, hành động từ ái làm duyên cho thức từ ái. Mỗi ngày đều từ ái, ta sẽ là một bậc từ ái.

            Thiền tập không phải là lấy chánh diệt tà, lấy thiện diệt ác, hay gieo hạt giống lành để lấn những hạt giống không lành. Thiền chỉ để thiền, để tập nhận diện thực tại đang là, hay nói đúng hơn là tập dừng lại. Theo dõi tâm, ta thấy mình thường đặt ý niệm vào thực tại nên thực tại bị méo mó. Dừng lại ở đây là thôi không đặt ý niệm nào nữa. Ban đầu ý niệm dồn dập, thực tại nhạt nhòa, sau đó dần dần ý niệm nhạt nhòa và thực tại rõ ràng. Thiền là như vậy, thiền không phải đi tìm kiếm sự an lạc hay đắc thần thông. Mọi mục đích tìm kiếm của thiền đều là ảo tưởng. Ta cung phụng thân thể và mua sắm tiện nghi nhưng đâu biết rằng tất cả, thân thể và vật chất, chỉ là đồ phụ tùng. Đây chỉ là một ý niệm. Nhìn vào thân thể, ta biết đây là thân thể, đây là mắt, tai, mũi, thân, xương, thịt, da… và biết như thế nhưng không đặt vào chúng những ý niệm nào. Đây là ngôi nhà, chiếc xe, quần áo, trang sức, mỹ phẩm… và biết như thế nhưng không đặt vào chúng những ý niệm nào. Những mong cầu về thân thể và vật chất đều là ảo tưởng. Người đời gieo nhân lành chẳng qua cũng chỉ muốn tầm cầu những ảo tưởng này, mấy ai chịu dừng lại. Đi tu cũng vậy, ta chọn vị thầy có thể gieo nhân lành, tìm bạn đồng tu có thể gieo nhân lành, tìm người thường gieo nhân lành có thể làm bạn đồng hành. Đây cũng là ảo tưởng vì ta đang tìm kiếm sự ban phát từ bên ngoài. Tự thân có thể ban phát chính mình, tự thân có thể gieo nhân lành, tự thân là thầy, là bạn đồng tu, là người đồng hành. Đơn giản, tự thân là từ ái. Cũng như một ngày, không có cái gọi là ngày tốt hay ngày xấu, ngày nắng hay ngày mưa, mà chỉ có ngày từ ái. Mỗi ngày đều đáng để sống, để hạnh phúc, để yêu thương. Biết như vậy thức sẽ an lành. Một khi thức an lành thì biết. An lành hay không tùy thuộc vào ta biết dừng lại hay không. Thiền giúp ta dừng lại.

            Căn tiếp xúc với trần là do duyên và thức quả phát sinh, như tánh thấy là do duyên và tiếp nhận quả mà thôi. Ta thường nói hai chữ “tùy duyên”, thực ra phải nói là “tùy nhân duyên quả. Đây là một ý niệm. Người ta kẹt vào ý niệm “tùy duyên” đến mức cuồng tín. Duyên là những điều kiện giúp cho nhân thành quả nên ta hãy chú ý đừng gieo nhân và có thái độ đúng đắn với quả. Có câu, Bồ tát sợ nhân chúng sinh sợ quả. Không ai nói Bồ tát sợ duyên cả, nên thấy đám đông chạy theo cái gì là ta chạy theo cái đó, không lo tu tập để tự thân thực chứng. Do bơ vơ và đau khổ, ta có xu hướng chạy theo. Thấy người ta đi chùa, ta cũng đi chùa, thấy người ta ngồi thiền ta cũng ngồi thiền, thấy người ta làm từ thiện, ta cũng làm từ thiện. Đi chùa, ngồi thiền, làm từ thiện trở thành một thứ trang sức, tô điểm cuộc đời của mình, cho qua ngày đoạn tháng. Tình yêu cũng có tình huống tương tự. Đôi khi ta không muốn có người yêu nhưng thấy người ta có người yêu nên ta ráng cho có người yêu với người ta. Người yêu trở thành một thứ trang sức. Riết rồi mọi thứ đều rất giả lập, người yêu rất giả lập, tu hành rất giả lập. Chính ta làm cho nó ngày cảng giả lập. Nguyễn Du có viết một đoạn trong truyện Kiều như sau:

Đã mang lấy một chữ tình
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong
Vậy nên những chốn thong dong
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng
Ma đưa lối, quỷ đưa đàng
Lại tìm những chốn đoạn tràng mà đi.

            Trần dẫn ta đi lòng vòng. Thực ra là thức dẫn đi. Không chánh niệm thì thức dẫn đi. Tất cả sắc pháp chỉ là công cụ truyền thông, tại sao cứ bám chặt vào hình tướng. Ta biết điều đó, thức biết điều đó, nhưng không dứt ra được, tại sao vậy?

Giữa chốn phồn hoa ta ngồi lặng lẽ
Từ trái tim khe khẽ tiếng yêu thương
Lời từ bi xin rải khắp nẻo đường
Sáng thức dậy chợt bình yên phố xá.  

Cuộc đời này dù gập ghềnh sỏi đá
Thấy sóng cả nguyện giữ vững tay chèo
Đời tu hành vẫn còn lắm cheo leo
Xin cho nhau những tháng ngày từ ái.  

Bình minh vừa lên chạm tầng áp mái
Buổi thiền tọa ta đây cũng vừa xong
Lời Phật dạy vẫn canh cánh bên lòng
Nắng mai hồng một sớm mai thức dậy.   

 

 

 

Bình luận về bài viết này