RSS

Tâm Sở Quý – Im Lặng Sấm Sét – Bảo Hiểm Tâm

15 Th8

Tâm Sở Quý – Ottappacetasika
Im Lặng Sấm Sét

 

          Quý là sự sợ hãi điều đáng sợ hãi, sợ hãi với các pháp bất thiện. Nói như vậy để thấy có người sợ hãi điều không đáng, như sợ nghe pháp thoại, sợ đọc kinh, sợ sự yên tĩnh, sợ làm điều lành… Có câu sự im lặng đáng sợ và cái im lặng này khiến con người sợ hãi, thậm chí căng thẳng vì quá yên ắng. Hay những người sợ hãi về tương lai do những tưởng tượng về chiến tranh, nghèo đói, thất nghiệp hay cho rằng mình bị ngược đãi. Quý không hàm chứa những cái sợ như vậy. Quý sợ hãi điều rõ ràng, có thật, có thể đặt tên được. Thấy được những nguy hại và hậu quả khó lường của việc làm bất thiện, người không ham thích, không dòm ngó và hết sức cảnh giác các việc làm đó, không cho nó phát sinh và làm hại bản thân, đồng thời ngăn ngừa không cho chúng biểu hiện. Một người cầm bình nước nóng chế nước vào li. Họ ý thức việc phỏng vì nước nóng có thể làm hư hại bàn tay, phải đi bệnh viện, gặp bác sĩ, uống thuốc… nên họ cẩn thận trong việc sử dụng một miếng vải để cầm ấm nước nhằm ngăn không cho sức nóng xâm nhập vào bàn tay. Người tu biết rõ các nguy hại đối với bản thân do hình dung hay mường tượng cụ thể các yếu tố do nhân dẫn đến, đây là quả và quả xấu do các yếu tố xấu trước đó mang lại. Sự mường tượng này trên cơ sở các lý luận có thật, không phải tưởng tượng, sáng tạo hay bịa đặt. Chính vì vậy, quý có sự lựa chọn trong các hành động nên làm và không nên làm. Suy nghĩ là một tiến trình lựa chọn nên quý tham gia tiến trình suy nghĩ nhằm nâng cao việc cân nhắc thực hiện hay không thực hiện hành động đang được suy nghĩ tới. Ghê sợ tội lỗi khác với sự ghét bỏ, triệt tiêu, khiếp đảm hay tự kỷ. Quý không làm nhiệm vụ ghê sợ khi có người hăm dọa, đánh đập, nói lời ác ngữ hay gây áp lực mà ghê sợ ở đây là kết quả của quá trình quán chiếu hậu quả tội lỗi có khả năng dù nhiều hay ít. Ý thức việc trộm cướp, tích trữ đầu cơ hay mua gian bán lận có thể dẫn đến việc mất hết lương tâm và rơi vào con đường tù tội nên người ghê sợ hậu quả, không dám và kiên quyết không làm điều đó. Sự ghê sợ có ý nghĩa nếu đụng tới hay chạm vào sẽ có hậu quả khó lường mang đến nhiều tai hại cho bản thân. Đây không phải là sự yếu đuối mà là nghị lực với đủ khả năng nhìn thấy điều sai trái nên hết lòng tránh việc làm bất thiện, thậm chí hỗ trợ người cùng tránh như vậy. 

          Thấy sợ hãi tội lỗi dù nhỏ nhặt cách mấy, người ra sức hành trì giới luật, thực tập uy nghi không mệt mỏi và không cho hép mình sa vào hầm hố của tội lỗi. Thường xuyên soi sáng bản thân và nhờ người soi sáng để thấy điều mình đã được và chưa được, góp phần vào việc thanh lọc tâm, tránh xa tội lỗi và dù có nhìn thấy tội lỗi cũng không tránh né mà biết đối diện một cách từ bi. Người khinh thường tội lỗi vẫn còn mang tính bạo động mà chỉ cần ý thức về hậu quả của tội lỗi để hành xử với nó một cách bất bạo động. Khinh thường chỉ mang tính trốn chạy, không dám đối diện trực tiếp. Vị tu sĩ bị sắc đẹp quyến rũ và nhận thấy tai hại của việc phạm giới gây ra, vị này không phải khinh thường và tránh xa sắc đẹp đó mà quán chiếu sự tàn hại rồi thực tập theo dõi hơi thở nhằm chuyển hóa các năng lượng tình dục đang vươn dậy trong cơ thể. Nếu trốn chạy và xua đuổi sự việc đang diễn ra thì vị tu sĩ thất bại trong việc thực tập. Tuy nhiên, để hiện tượng này không có mặt, vị tu sĩ cần giữ giới không ngồi nơi đồng vắng một mình hay giao tiếp với người khác phái ở nơi vắng người. Việc giữ giới vì vậy có thể ngăn ngừa những nguyên nhân sanh ra tội lỗi và dĩ nhiên vị tu sĩ có nhiều điều kiện tu tập hơn. Có bốn điều nguy hại không nên xem thường, đó là không nên xem thường người trẻ, con rắn nhỏ, ngọn lửa nhỏ và người tu trẻ. Điều vĩ đại được làm nên từ tập hợp của những thành tích nhỏ nhoi. Một lần phạm giới nếu không sửa đổi sẽ dẫn đến việc phạm giới lần thứ hai, thứ ba và rồi xem việc phạm giới trở thành chuyện bình thường. Mình chính là tội lỗi lúc nào không hay. Phải thấy được tội lỗi trong hiện tại và tương lai người phải trả cho hành động của mình để không làm sinh khởi các pháp bất thiện. Người sống trong môi trường đầy dẫy tội lỗi, biết rõ tội lỗi nhưng không bao giờ vướng vào tội lỗi, thậm chí đóng góp vào tiến trình giảm thiểu và chuyển hóa tội lỗi.

          Chánh niệm về quý để biết sự ghê sợ này mang lại hạnh phúc chứ không mang lại khổ đau. Khổ đau chỉ có mặt do không biết cái gì là tội lỗi và không ghê sợ nó. Nhưng khi nhìn thấy bộ mặt thật của tội lỗi, người trở nên hạnh phúc vì ổn định và chuyển hóa được mình. Chánh niệm giúp người nhận diện nhưng không phán xét và gọi tên đầy đủ cái này là thiện, cái này là bất thiện, đồng thời lựa chọn làm điều thiện và từ chối các lời mời làm điều không thiện. Ý thức về những khổ đau do tình trạng hành xử thất niệm gây ra như suy nghĩ tán loạn, hành động tạo nghiệp ác và lời nói ác ngữ, người quyết tâm thực tập chánh niệm, đem lại nguồn an lạc cho thân tâm. Bất cứ làm việc gì cũng suy xét cho kỹ việc làm ấy có mang hạnh phúc đích thực cho mình và người, có phù hợp giới luật, có đem lại niềm vui trong giây phút hiện tại và có phục vụ cho con đường giải thoát hay không. Phải nói đến sự giải thoát vì có người là tu sĩ nhưng quên tu tập giải thoát, thích chìm đắm trong các công việc của chùa chiền và dính mắc vào đó. Mọi suy nghĩ, hành động và lời nói đều có thể là nhân dẫn đến điều tội lỗi hay không tội lỗi. Biết được như thế, người chỉ cần kiên trì trong việc thực tập suy nghĩ, hành động và lời nói an lành thì vượt thắng được mọi sợ hãi trong hiện tại cũng như tương lai. Trí nhớ hay chánh niệm giúp mình biết cái thực tại đang là, chăm sóc và gìn giữ sự trong sáng của thực tại, người sẽ không cô đơn và cảm thấy run rẩy.       Có những điều không phải tội lỗi nhưng có thể dẫn đến tội lỗi. Như đã nói ở trên, vị tu sĩ nói chuyện với nữ giới không có gì sai nhưng ở nơi trống vắng có thể dẫn đến sự hiểu lầm và tại hại là làm mất đi tín tâm của người đời. Cho nên, người không chỉ từ chối tội lỗi mà còn từ chối các điều kiện có khả năng dẫn đến tội lỗi, tai hại và nghi ngờ. Chánh niệm liên tục, người được an trú trong thực tại, không rong ruổi về những sợ hãi trong quá khứ và làm gia tăng tính sợ hãi đó trong tương lai. Người đón nhận hạnh phúc của hiện tại và hạnh phúc chính là không sợ hãi, cho dù hiện tại đang bình yên hay dậy sóng. Sự không sợ hãi khiến họ an nhiên và tự tại.

[Mục lục] [Xem tiếp]
[Blog Minh Thạnh – Yahoo 360 plus]
[Blog Tạp chí – Tình thương đích thực]
[Website – Đàm Linh Thất]
[Sách – Kế Hoạch Chấn Hưng Nhân Loại]
[Sách – Hồi Sinh Chúa Jesus]
[Thư pháp Minh Thạnh]
[Sách – Rong Chơi Tuổi Thơ]
[Sách – Những Trái Tim Đồng Dạng]

 

Nhãn: , , ,

Bình luận về bài viết này